Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Hoằng Đại  - TP.Thanh Hóa

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CĂN CƯỚC 2023

Đăng lúc: 14:19:25 07/03/2024 (GMT+7)
100%

Tại cuộc họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, trong đó có Luật Căn cước, đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước. Luật Căn cước với nhiều quy định cụ thể góp phần hoàn thiện pháp luật, đáp ứng được nhiều mặt của thực tiễn về cải cách hành chính, quản lý dân cư, đảm bảo quyền công dân, hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

 

 
Căn cước CD.jpg
 
So với Luật căn cước 2014, Luật căn cước 2023 gồm 07 chương, 46 điều có những điểm mới nổi bật như sau:
Một là, đổi tên Căn cước công dân sang thẻ Căn cước
Cùng với việc sửa tên Dự án Luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Quốc hội đã thống nhất đổi thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.
Tại khoản 1 và khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa:
1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người.
11. Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Có thể thấy đây là điểm mới của Luật Căn cước 2023 và là điểm quan trọng của Luật Căn cước so với quy định cũ. Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người gồm: Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng.
Hai là, có bắt buộc đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước hay không?
Tại Điều 46 Luật Căn cước chỉ rõ: “Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước”.
Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, do đó  người dân đang có thẻ Căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Người dân đang có thẻ Căn cước công dân nếu muốn đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi (theo khoản 1 Điều 46).
Ba là, bỏ vân tay và quê quán trên thẻ Căn cước
Theo khoản 1 Điều 18 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định ác thông tin trên thẻ Căn cước công dân gồm:
Mặt trước: Quốc huy, dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Căn cước công dân”, ảnh, số thẻ, họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú và ngày tháng năm hết hạn.
Mặt sau: Lữu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhận dạng, ngày tháng năm cấp thẻ; họ tên chữ đệm, dấu, chức danh và chữ ký của người cấp thẻ.
Còn quy định mới tại Điều 18 Luật Căn cước 2023, nội dung trên thẻ Căn cước gồm các thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ. Cụ thể thông tin được in trên thẻ Căn cước gồm: Hình Quốc huy; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ CĂN CƯỚC, ảnh khuôn mặt, số định danh, họ tên chữ đệm khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quốc tịch, nơi cư trú, ngày, tháng, năm, cấp thẻ; ngày, tháng, năm, hết hạn sử dụng, nơi cấp: Bộ Công an.
Bốn là, cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ ngày Luật có hiệu lực
Theo quy định cũ từ 2014 đến nay, chỉ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, kể từ 01/07/2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực thì theo Điều 19 Luật này: 1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam; 2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; 3.Công dân Việt Nam từ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Năm là, bổ sung Giấy chứng nhận căn cước
Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định tại Luật Căn cước công dân 2014. Theo đó, giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ được giải thích tại khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước như sau:
“12. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.”
Như vậy, các quy định về loại giấy này tại Điều 30 Luật Căn cước như sau:
Đối tượng cấp: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại cấp xã, cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) từ 06 tháng trở lên.
Thông tin in trên Giấy chứng nhận căn cước: Quốc huy; các dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; Chứng nhận Căn cước”; họ, chữ đệm, tên; số định danh cá nhân; ảnh khuôn mặt, vân tay; ngày tháng năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; họ tên chữ đệm quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ (nếu có), ngày tháng năm cấp, cơ quan cấp; thời hạn sử dụng.
Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận Căn cước: Cơ quan quản lý căn cước thuộc công an cấp huyện hoặc công an cấp tỉnh nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống.
Giá trị sử dụng: Chứng minh về căn cước đề thực hiện giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Khi người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước thì không phải xuất trình giấy tờ hoặc thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước trừ trường hợp thông tin bị thay đổi hoặc không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sáu là, rút ngắn thời gian cấp lại thẻ Căn cước
Theo Điều 26 Luật Căn cước, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trong khi đó, theo quy định cũ tại Đều 25 Luật Căn cước công dân năm 2014, thời hạn được chia theo các trường hợp như sau:
Tại thành phố, thị xã: Cấp mới và cấp đổi: Không quá 07 ngày; cấp lại: Không quá 15 ngày làm việc.
Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: Thời gian thực hiện là không quá 20 ngày áp dụng cho tất cả các trường hợp.
Tại các khu vực còn lại: Không quá 15 ngày cho tất cả các trường hợp.
Bảy là, trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước: Phải cung cấp thông tin mống mắt
Việc cấp thẻ Căn cước được quy định tại Điều 23 Luật Căn cước như sau:
Với trẻ dưới 06 tuổi:Thực hiện cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 06 tuổi qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Thực hiện qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý Căn cước.
Với đối tượng này, khi làm thẻ Căn cước cũng không phải thu nhập đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Với trẻ từ 06 - dưới 14 tuổi: Cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện các công việc:
Trực tiếp đưa người này đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học.
Kê khai, ký, thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước thay cho người đó.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên:
Bước 1: Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành… để xác định chính xác người cần cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin thì thực hiện cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bước 2: Thu thập đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học: Ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ Căn cước.
Bước 3: Người đề nghị cấp thẻ kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.
Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước. Việc trả thẻ được thực hiện theo địa điểm trong giấy hẹn hoặc ở địa điểm khác nếu có yêu cầu và người này phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
Như vậy, chỉ có trường hợp trẻ dưới 06 tuổi thì mới không lấy thông tin sinh trắc học là mống mắt còn các độ tuổi còn lại đều phải thực hiện lấy thông tin này.
Tám là, người dân sẽ có Căn cước điện tử
Một trong những nội dung đáng chú ý khác của điểm mới Luật Căn cước là bổ sung Căn cước điện tử. Theo đó, Điều 31 Luật Căn cước nêu rõ, mỗi công dân sẽ chỉ có 01 Căn cước điện tử. Đây là Căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử. Ngoài ra, các quy định liên quan đến Căn cước điện tử gồm:
Thông tin trong Căn cước điện tử:
Thông tin về Căn cước: Thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (họ tên chữ đệm khai sinh; số định danh cá nhân; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo…); thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói)...
Thông tin được tích hợp: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn hoặc giấy từo khác trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Thông tin được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo đề nghị của công dân.
Mục đích sử dụng: Dùng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công, giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Trường hợp Căn cước điện tử bị khóa: Theo yêu cầu của người được cấp Căn cước điện tử; khi người này vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; khi thẻ Căn cước bị thu hồi hoặc bị giữ...
Trường hợp Căn cước điện tử mở khóa: Khi có yêu cầu; đã khắc phục vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; được cấp lại thẻ Căn cước; do yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng/cơ quan khác.../
  Công chức Tư pháp – Hộ tịch UBND 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
332
Hôm qua:
460
Tuần này:
2131
Tháng này:
8566
Tất cả:
449221

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289