Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Hoằng Đại  - TP.Thanh Hóa
 

1. Vị trí địa lý

Xã Hoằng Đại nằm ở phía Bắc Thành phố Thanh Hóa, phía đông giáp xã Hoằng Thành, Hoằng Trạch của huyện Hoằng Hóa, phía Bắc giáp xã Hoằng Lộc, Phía Tây giáp xã Hoằng Quang và phía Nam giáp xã Quảng Hưng Thành phố Thanh Hóa.

Diện tích đất tự nhiên là 466,86 ha, trong đó đất nông nghiệp là 328,05 ha.

Dân số: 4043 người với  1.319 hộ được phân bố thành 6 thôn.

2. Lịch sử

Trên Địa bàn xã, tên gọi của các làng, xã thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử. Xưa kia làng Đại Tiền còn có tên gọi là làng Kẻ Lỡ; làng Hà Phương gọi là làng Hà Đông; làng Lam Hà đầu tiên là thôn Lam Cầu, tiếp theo đó gọi là thôn Làng Lam, sau cách mạng tháng tám gọi là làng Lam Hà.

Đầu thế kỷ 19 làng Đại Tiền, làng Hà Phương thuộc tổng Từ Quang, làng Lam Hà thuộc tổng Bái Trạch. Trước cách mạng tháng tám, làng Đại Tiền, làng Hà Phương thuộc phủ Hà Trung. Làng Lam Hà vẫn thuộc tổng Bái Trạch. Năm 1945 làng Đại Tiền, làng Hà Phương sáp nhập về tổng Bái Trạch, đến năm 1946 cả 3 làng Đại Tiền, Hà Phương, Lam Hà thuộc xã Đại Bái.

Năm 1947 theo chủ trương của Đảng và mặt trận Việt Minh sáp nhập các xã nhỏ thành xã lớn, xã Đại Bái sáp nhập với xã Hoằng Lộc có tên gọi là xã Hoằng Lộc. Đến năm 1953 cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của dân tộc ta ngày càng giành được nhiều thắng lợi to lớn, để phù hợp với việc quản lý, điều hành đất nước trong thời chiến, Đảng và mặt trận Việt Minh quyết định chia xã lớn thành xã nhỏ. Xã Hoằng Lộc được chia thành 4 xã gồm: Xã Hoằng Lộc, xã Hoằng Thành, xã Hoằng Trạch và xã Hoằng Đại.

Ngày 20/10/1953 xã Hoằng Đại được thành lập gồm 3 làng: Đại Tiền, Hà Phương và Lam Hà, từ đây địa giới hành chính được ổn định, từ 3 làng được chia thành nhiều xóm nhỏ. Sau ngày hòa bình lập lại, thành lập các tổ đổi công, hợp tác xã bậc thấp, bậc cao ….. nên các xóm, thôn có sự thay đổi.

Đến năm 1994 toàn xã được chia thành 8 thôn gồm: Kiều Tiến, Đồng Tiến, Đại Đồng, Vinh Quang, Hạnh Phúc, Quang Hải, Cát Lợi, Sơn Hà.

Ruộng đất canh tác của xã được chia thành 2 vùng. Nội đê và ngoại đê. Trước đây ở bãi ngoại đê khu vực bãi cao được trồng các loại cây ngô, khoai lang, lạc, mía gọi là đất chuyên màu. Ở nội đê chủ yếu là ruộng cấy hai vụ lúa, phần còn lại là đất chuyên trồng các loại rau màu. Điều kiện sản xuất ở bãi ngoại đê hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên.

Ngày 01/7/2012, Hoằng Đại sáp nhập về thành phố Thanh Hóa. Theo Quyết định 3110/QĐ-UBND tỉnh về việc sáp nhập thôn, phố, đến thời điểm này, xã Hoằng Đại gồm 6 thôn: thôn Kiều Tiến, Đồng Tiến, Hạnh Phúc, Quang Hải, Cát Lợi, Sơn Hà.

2. Di tích và thắng cảnh

Quá trình lịch sử đấu tranh, người dân Hoằng Đại hình thành một bản sắc văn hóa riêng trong bản sắc văn hóa chung của dân tộc. Trước đây Hoằng Đại xây rất nhiều ngôi đình, chùa, nghè để thờ thần, thờ phật, thờ những người có công với nước, với dân làng. Một ngôi chùa lớn được xây ở phía tây bắc của xã, trước năm 1930, hiện nay dấu tích chỉ còn là khung đất cao nằm giữa cánh đồng.

 Các làng đều có đình và nghè. Nghè đình làng Hà Phương, làng Lam Hà thờ vọng thần hoàng, Đình làng Đại Tiền được xây dựng theo kiểu kiến trúc cung đình. Trước đình là một khu đất rộng khoảng 3 mẫu, chính giữa là mô đất được trồng 5 cây dừa và một số cây khác trông rất thơ mộng và huyền ảo. Nơi đây thường được tổ chức các trò chơi dân gian trong các ngày lễ hội của làng. Sau năm 1945 chuyển thành đất gieo mạ và hiện nay là Hồ Đình.

Từ năm 1957-1959 thực hiện cuộc “Cách mạng văn hóa” của Đảng và Chính phủ chống mê tín, dị đoan và những tập tục lạc hậu không phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc; một số Đình, Nghè, Chùa của 3 Làng chuyển sang xây dựng trường học, trạm y tế, cửa hàng mua bán, nơi làm việc của hợp tác xã.... hiện nay chỉ còn lại đình làng Lam Hà làm nhà văn hóa của Làng Sơn Hà, đình làng Hà Phương là nơi xây dựng nhà văn hóa làng Cát Lợi, đình làng Đại Tiền là nơi xây dựng nhà văn hóa thôn Đồng Tiến.

Xã Hoằng Đại ngày nay còn di tích miếu thờ bà “Thịnh nhũ quốc vương”. tại gia đình bà Lê Thị Thoả đang quản lý ở thôn Đồng Tiến xã Hoằng Đại.

3. Truyền thống hiếu học.

Qua các triều đại lịch sử dân tộc, Hoằng Đại đã đóng góp những hiền tài xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, con em Hoằng Đại hăng hái học tập và thi đậu vào các trường Đại học ngày càng nhiều, có người đã thành đạt như: Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Văn Bình - Viện phó viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam; Tiến sĩ luật Lê Minh Thông –Phó chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc Hội, Cán bộ Ban tổ chức TW; Tiến sĩ Lê Văn Viết - Thư viện Quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Tôn Diệu – Tổng Cục phó Cục Thuỷ Lợi Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn vv… Ngoài ra còn có hàng chục người có học vị cao như kỹ sư, bác sĩ và giữ các chức vụ như Giám đốc, phó giám đốc, cán bộ chủ chốt đang công tác, làm việc tại quê hương và trên khắp mọi miền của đất nước.

Hàng năm đội tuyển học sinh giỏi THCS xã Hoằng Đại đều xếp thứ 10 của thành phố. Năm học 2020 - 2021 xã Hoằng Đại có em Nguyễn Minh Quý học

sinh trường THPT chuyên Lam Sơn đạt giải nhì quốc gia môn Toán.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
376
Hôm qua:
391
Tuần này:
1715
Tháng này:
8150
Tất cả:
448805

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289