Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Hoằng Đại  - TP.Thanh Hóa

MÔ HÌNH “CHÍNH QUYỀN THÂN THIỆN, VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ” Ở THANH HÓA: HƯỚNG ĐẾN SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN

Đăng lúc: 14:47:07 22/12/2023 (GMT+7)
100%

Sau hai năm triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” (sau đây viết tắt là mô hình) tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo chuyển biến rõ nét trong tác phong, lề lối làm việc, nhận thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, từng bước mang đến sự hài lòng cho người dân. Đây là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

 

        “5 biết”, “3 không”, “4 thể hiện”
Mô hình được triển khai tại một số cơ quan, đơn vị của tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm 2021. Với khẩu hiệu “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn), “3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không né tránh trách nhiệm; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc), “4 thể hiện” (tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc và gần dân, giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị chính đáng của người dân) đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ các cấp.
Tại xã Hải Nhân-địa phương được thị xã Nghi Sơn chọn là một trong các đơn vị điểm xây dựng mô hình, lề lối, tác phong và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức chuyển biến thấy rõ. Nói về kết quả này, đồng chí Nguyễn Hữu Đương, Bí thư Đảng ủy xã Hải Nhân phấn khởi chia sẻ: “Xác định công tác dân vận chính quyền có vai trò quan trọng, Đảng ủy, UBND xã đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức những nội dung, yêu cầu đề ra; tổ chức cho 100% cán bộ, công chức ký cam kết thực hiện nội dung của mô hình”.
Triển khai mô hình, xã Hải Nhân tổ chức sắp xếp, bố trí lịch làm việc bảo đảm khoa học; công khai chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; công khai số điện thoại đường dây nóng tại bộ phận một cửa để cá nhân, tổ chức kịp thời phản ánh những hành vi không chuẩn mực, gây phiền hà cho dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Tại bộ phận một cửa của UBND xã Hải Nhân, chị Lê Thị Tâm ở thôn Thượng Nam đang hoàn thiện thủ tục xin cấp lại bản sao giấy khai sinh. Được cán bộ tư pháp xã hướng dẫn tận tình, chu đáo, chị Tâm rất hài lòng. “Tôi thấy cán bộ thân thiện, lắng nghe, giải thích rõ cho nhân dân hiểu các thủ tục liên quan là mừng rồi”, chị Tâm chia sẻ.
Tại TP Thanh Hóa, sau khi mô hình điểm được triển khai ở phường Quảng Tâm, Ban Dân vận Thành ủy tham mưu cho Thường trực Thành ủy Thanh Hóa lựa chọn, triển khai xây dựng thêm hai mô hình điểm tại các phường Quảng Thịnh và Đông Hải.
Để mô hình phát huy hiệu quả đúng như tên gọi, đảng ủy các phường, xã của thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng và thực hiện. Cùng với việc thành lập ban chỉ đạo, điều hành thực hiện, đảng ủy các phường, xã còn chỉ đạo khối dân vận phối hợp với UBND phường, xã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện mô hình ở từng lĩnh vực cụ thể; tổ chức cho 450 cán bộ, công chức ký cam kết thực hiện và làm theo khẩu hiệu “5 biết”, “3 không”, “4 thể hiện”. Với những chuyển biến tích cực từ các đơn vị làm điểm, Thành ủy Thanh Hóa quyết định nhân rộng mô hình đến 31 phường, xã còn lại trên địa bàn.
Qua đánh giá, trong hai năm thực hiện mô hình, các phường, xã của TP Thanh Hóa có tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đạt 100%, không để hồ sơ tồn đọng. Các phường, xã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại nhà cho những đối tượng người già neo đơn, khó khăn trong việc đi lại với 750 trường hợp. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã gửi 8 thư cảm ơn, 18 thư xin lỗi, 5.750 thư chúc mừng và 1.258 thư chia buồn đến người dân địa phương.
Nhờ vậy, góp phần tạo dựng, củng cố mối gắn kết chặt chẽ, sự tin cậy, đồng cảm, chia sẻ giữa chính quyền và nhân dân. Anh Nguyễn Doãn Sơn ở phường Đông Tân, TP Thanh Hóa đánh giá: “Tôi thấy rõ sự chuyển biến trong thái độ tiếp đón, ứng xử của cán bộ, công chức đối với người dân. Hôm nay, tôi đến đây làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, được cán bộ ở phường nhiệt tình giúp đỡ, mọi thủ tục đều được hoàn thiện và đúng lịch hẹn. Tôi rất hài lòng về thái độ, trách nhiệm phục vụ của cán bộ phường”.
Nhân rộng mô hình, hướng đến sự hài lòng của người dân
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình ở xã, phường, thị trấn, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa xây dựng được 140 mô hình, trong đó có 15 mô hình cấp tỉnh, 125 mô hình cấp huyện. Kết quả lấy phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các cấp chính quyền ở 140 mô hình thí điểm trên địa bàn toàn tỉnh đều đạt từ 90% trở lên. Một số địa phương có số phiếu cho ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đạt tỷ lệ cao như: Ngọc Lặc 100%; Hoằng Hóa 100%; Đông Sơn 98,7%; Nông Cống 98,5%; Như Thanh 95,3%...
Việc xây dựng mô hình có sự tác động mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức ở chính quyền các cấp, tạo được sự đồng tình, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân. Đánh giá hiệu quả sau hai năm thực hiện mô hình, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân ghi nhận, tin tưởng, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về tác phong, lề lối làm việc, nhận thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; từng bước mang đến sự hài lòng cho người dân, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ở các cấp chính quyền, đặc biệt là đơn vị xã, phường, thị trấn”.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa xác định: Phấn đấu đến năm 2025 có từ 50% số xã (phường, thị trấn) trở lên và đến năm 2030 có 100% xã (phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công mô hình. Để mô hình được nhân rộng hiệu quả, theo đồng chí Nguyễn Văn Thoại (74 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Trung Ngoại, xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) thì cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức các cấp phải xem đây là công việc thường xuyên; thực sự trách nhiệm, gần gũi nhân dân. Đây vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp đối với nhân dân.
Đồng quan điểm trên, đồng chí Lê Văn Thưởng, Chủ tịch UBND phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa cho biết: “Thực hiện mô hình, chúng tôi xác định: Mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân để triển khai thực hiện. Khi người dân hài lòng chính là lúc công tác cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai sâu rộng; mối quan hệ giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng cởi mở; dân chủ, công khai minh bạch trong các hoạt động ngày càng được phát huy rộng rãi; đồng thời giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức điều chỉnh thái độ, trách nhiệm, hành vi khi thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao...”.
Theo lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh Thanh Hóa thì việc triển khai mô hình phải gắn chặt với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cho người dân. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp khảo sát một cách thực chất chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân với chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Nguồn: ST
 
  

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
293
Hôm qua:
461
Tuần này:
3059
Tháng này:
9005
Tất cả:
459203

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289